Áp lực kép giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (Cập nhật hết T1)

0
116
Tính đến thời điểm chốt sổ, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ và chưa đạt kỳ vọng. Năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công sẽ đối mặt áp lực khi phải giải ngân số vốn kỷ lục cùng kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang…
Áp lực kép giải ngân vốn đầu tư công năm 2023Ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 80,63% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ, tương ứng giải ngân gần 540.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 và tình hình thanh toán vốn đầu tư công ước 1 tháng kế hoạch năm 2023 cho thấy tỷ lệ ước giải ngân 1 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 1,72% kế hoạch.

Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 1,81%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (2,50%); trong đó, vốn trong nước đạt 1,89% thấp hơn mức 2,61% so với cùng kỳ năm 2022, vốn nước ngoài đạt chưa giải ngân được đồng nào trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt 1,01%.

TỈNH HOÀ BÌNH VÀ 8 BỘ GIẢI NGÂN THẤP DƯỚI 50%

Lý giải tỷ lệ giải ngân tháng 1 thấp hơn cùng kỳ, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng đầu năm, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Cũng trong tháng 1, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân được 2.800 tỷ đồng; các địa phương dự kiến giải ngân được 10.019,57 tỷ đồng từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương.

Thời điểm kết thúc tháng 1 cũng là lúc đóng sổ giải ngân đầu tư công. Về tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính đánh giá tỷ lệ ước giải ngân đến hết tháng 1/2023 đạt 80,63% kế hoạch, tương ứng giải ngân gần 540.000 tỷ đồng.

Áp lực kép giải ngân vốn đầu tư công năm 2023
Giải ngân vốn kế hoạch năm 2022. Nguồn: Bộ Tài chính.

Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 92,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (95,11%); trong đó, vốn trong nước đạt 96,17% (cùng kỳ năm 2021 đạt 102,94%), vốn nước ngoài đạt 42,47% (cùng kỳ năm 2021 đạt 32,85%).

Cũng theo Bộ Tài chính, có 13 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90%.

Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Hội Luật gia (100%), Ngân hàng nhà nước (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%), Bộ Nội vụ (100%), Hội Nhà văn (100%), tỉnh Thái Bình (97,4%), tỉnh Lâm Đồng (96,9%)…

Rõ ràng, “đầu tư công được giải ngân chậm đã kìm hãm tốc độ phát triển của nền kinh tế một cách tương đối. Nếu vào thời điểm đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công được khai thông, chắc chắn các con số tăng trưởng kinh tế sẽ còn cao hơn nữa”, ông Thịnh đánh giá.

Bình luận về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm vừa qua, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết khi đóng sổ đầu tư công, con số dự kiến vào khoảng 80% thực sự chưa đạt được như kỳ vọng của Chính phủ là 90 – 95%.

Năm vừa qua, người đứng đầu Chính phủ thường xuyên dành những ngày nghỉ cuối tuần đến thị sát, kiểm tra các dự án, công trình đang có tiến độ giải ngân chậm để đôn đốc và tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Có 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 2 tư lệnh ngành tài chính và kế hoạch và đầu tư làm tổ trưởng cũng thường xuyên có những cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương được phân công để kịp thời nắm bắt những khó khăn và đôn đốc tiến độ. Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, cùng nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương chậm trễ triển khai, dẫn đến kéo lùi tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có 27/52 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 80%, đáng nói trong đó có 8 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.

Điểm tên các bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ rõ khoản Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% các ngân hàng thương mại chỉ vỏn vẹn đạt khoảng 96/16.000 tỷ đồng, tương ứng 0,6%.

Cùng với đó, Uỷ ban dân tộc giải ngân đạt 2,41%; Viện Khoa học công nghệ Việt Nam đạt 13,67%; Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 38,48%… Duy nhất tỉnh Hoà Bình “hụt hơi” khi giải ngân thấp dưới 50%, chỉ đạt 48,26% so với tổng kế hoạch.

Giới phân tích cho rằng năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kỷ lục, lên đến 756.111 tỷ đồng, chưa kể kế hoạch vốn năm trước chuyển sang, sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn cho việc giải ngân vốn năm nay.

ĐIỀU CHUYỂN VỐN VÀ ÁP CHẾ TÀI GIẢI NGÂN CHẬM

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công làm bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư công khẩn trương hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án sử dụng ngân sách trung ương sang năm 2023 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

“Các bộ, cơ quan trung ương cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội”, Bộ Tài chính đề nghị.

Các bộ, cơ quan trung ương cũng cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.

Một điểm được Bộ Tài chính nhấn mạnh để tăng tốc giải ngân, đó là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Về việc bố trí nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có hướng dẫn cụ thể về tính chất và đối tượng được điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Còn đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị các chủ chương trình, dự án, tiểu dự án thành phần như Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông và uỷ ban nhân dân các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 698/CĐ-TTg ngày 4/8/2022 về việc tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, các Nghị quyết của Chính phủ: số 102/NQ-CP ngày 09/8/2022, số 121/NQ-CP ngày 11/9/2022, số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục thanh toán.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, để tìm ra nguyên nhân thực hiện và giải ngân chậm ở từng dự án.

“Rà soát và quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án có khả năng thực hiện để phần đấu giải ngân hết kế hoạch được giao”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Cũng theo bộ này, để đẩy nhanh giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, cần thường xuyên tổ chức giao ban với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư của các dự án, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền sớm có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, “có chế tài xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án không thực hiện hết kế hoạch vốn đã được giao”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.