Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc – Nam

0
157
Kết thúc ngày lựa chọn nhà thầu 10/01/2023, 13 liên danh đảm nhận 13 gói thầu còn lại của đại dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 lộ diện. Trong nhiều liên danh có sự tham gia của 8 công ty xây dựng lớn trên sàn chứng khoán.
Tiềm lực tài chính của 8 doanh nghiệp này có gì đặc biệt?
Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam
8 doanh nghiệp xây dựng trên sàn góp mặt trong các liên danh gồm: Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSE: VCG), CTCP Lizen (HOSE: LCG), CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G), Tổng Công ty 36 (UPCoM: G36), Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1), Tổng Công ty Thăng Long (HNX: TTL), CTCP Sông Đà 10 (HNX: SDT), CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV).
Theo thống kê từ VietstockFinance, kết quả kinh doanh của 8 doanh nghiệp này trong năm 2022 nhìn chung khả quan khi tổng doanh thu đạt 24,603 tỷ đồng và lãi ròng 1,749 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 25% so với năm trước. Trong đó, 5 doanh nghiệp lãi tăng, 2 doanh nghiệp lãi giảm, 1 doanh nghiệp lỗ.
Kết quả kinh doanh của 8 doanh nghiệp trong năm 2022
(Đvt: Tỷ đồng)

Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam

Nguồn: VietstockFinance
Dù tăng trưởng đáng kể so với năm trước, đa phần doanh nghiệp kể trên không đạt kế hoạch kinh doanh năm 2022. Chỉ có G36 và TTL vượt được kế hoạch lợi nhuận, tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận năm 2022 của G36 chỉ bằng 3% kết quả thực hiện được của năm 2021.
Kết quả thực hiện kế hoạch năm 2022 của 8 doanh nghiệp xây dựng
(Đvt: Tỷ đồng)

Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam

* Chỉ tiêu lợi nhuận so sánh là lợi nhuận trước thuế
Nguồn: VietstockFinance
Sức khỏe tài chính của 8 doanh nghiệp cho thấy, tổng lượng tiền mặt nắm giữ còn 6,466 tỷ đồng, giảm gần 37% so với đầu năm. LCG có mức giảm mạnh nhất với 72%, chỉ còn 147 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt nắm giữ của 8 doanh nghiệp tại ngày 31/12/2022
(Đvt: Tỷ đồng)

Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam

Nguồn: VietstockFinance
Dù tiền mặt giảm mạnh, tổng tài sản của các doanh nghiệp tăng 6%, đạt 106,375 tỷ đồng. HHV có khối tài sản lớn nhất dù giá trị chỉ tăng 5%, ghi nhận hơn 35,643 tỷ đồng.
Tuy nhiên, HHV có tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản lớn nhất khi nợ vay bằng đến 58% giá trị tổng tài sản. Ngược lại, LCG có tỷ lệ này thấp nhất với 9%.
Nhìn chung cả 8 doanh nghiệp, tổng nợ vay tại thời điểm 31/12/2022 tăng 2% so với đầu năm, ở mức 47,355 tỷ đồng.
Tổng tài sản và nợ vay của 8 doanh nghiệp tại ngày 31/12/2022
(Đvt: Tỷ đồng)

Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam

Nguồn: VietstockFinance
Một điểm đáng chú ý khác là đa phần doanh nghiệp kể trên đều giảm dự phòng nợ khó đòi trong năm 2022. Theo đó, tổng giá trị dự phòng của 8 doanh nghiệp giảm hơn 14% so với đầu năm, còn 1,507 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có mức giảm lớn nhất là CC1 khi giá trị dự phòng giảm từ 144 tỷ xuống còn 39 tỷ đồng. Mặt khác, VCG có mức dự phòng lớn nhất với 1,127 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cuối năm trước.
Tổng khoản phải thu của 8 doanh nghiệp tại ngày 31/12/2022
(Đvt: Tỷ đồng)

Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam

Nguồn: VietstockFinance
Dự phòng nợ khó đòi của 8 doanh nghiệp tại ngày 31/12/2022
(Đvt: Tỷ đồng)

Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam

Nguồn: VietstockFinance
Liên quan đến việc trúng các gói thầu thuộc dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, VNDirect cho biết, nhiều doanh nghiệp trong số trên có giá trị backlog (đơn hàng tồn đọng) lớn hơn đáng kể tại ngày công bố 10/01/2023 so với đợt chỉ định thầu đầu tiên trong ngày 25/12/2022, tiêu biểu như TTL, CC1 và LCG.
VCG vẫn là doanh nghiệp niêm yết nhận được tổng giá trị backlog từ Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 lớn nhất với 6,419 tỷ đồng. Trong khi đó, TTL và C4G là 2 doanh nghiệp có tỷ lệ tổng giá trị backlog/trung bình doanh thu mảng xây lắp 2 năm gần đây cao nhất, lần lượt đạt 3.2 và 2.8 lần.
Nhìn chung, VNDirect đánh giá Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sẽ là cú hích lớn đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng, đặc biệt là 8 doanh nghiệp kể trên.
Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam
Bên cạnh giá trị backlog lớn của gói thầu Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, những doanh nghiệp này còn ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tồn kho tăng 39% so với đầu năm, lên hơn 10,816 tỷ đồng. Đây là giá trị khối lượng xây lắp đã hoàn thành nghiệm thu với các nhà thầu phụ và đang trong quá trình quyết toán với chủ đầu tư của các doanh nghiệp. Do đó, giá trị này cũng có thể xem là “của để dành” của các doanh nghiệp xây dựng.
“Của để dành” tồn kho của 8 doanh nghiệp xây dựng
(Đvt: Tỷ đồng)

Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam

Nguồn: VietstockFinance
Về giá cổ phiếu, dù có động lực từ chính sách thúc đẩy đầu tư công nhưng 8 cổ phiếu của các doanh nghiệp kể trên vẫn ghi nhận mức giảm đáng kể từ đầu năm 2022 đến nay, chung xu hướng với thị trường chứng khoán và VN-Index. So với các mã còn lại, CC1 vào cuối năm 2022 có được nhịp tăng trưởng ngắn, mức giảm của cổ phiếu này cũng thấp hơn các doanh nghiệp khác.
Diễn biến giá cổ phiếu 8 doanh nghiệp xây dựng và VN-Index từ đầu năm 2022 đến nay

Sức khỏe tài chính các doanh nghiệp xây dựng niêm yết trúng thầu Cao tốc Bắc - Nam

Nguồn: VietstockFinance
Hà Lễ
FILI