“Anh cả” GAS gần như đi ngang trong khi PVT đã giảm hơn 11% từ đầu năm 2023. PLX, BSR, PVD, PVS tăng trên dưới 20% trong gần 2 tháng nhưng tiền vào tương đối rời rạc. Sự phân hóa đến từ triển vọng khác nhau của từng doanh nghiệp thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường dầu khí đầy nhiễu động.
Trong bối cảnh đó, Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA) cho Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn II vừa được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam – PVN) với Liên danh giữa Marubeni Corporation và Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO), được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn đối với ngành dầu khí.
Đây là một bước quan trọng để các bên tiếp tục triển khai các công việc cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ chuỗi dự án khí – điện Lô B. Theo kế hoạch, toàn bộ nguồn khí Lô B sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn cung cấp khí cho các NMNĐ Ô Môn I, II, III và IV (với tổng công suất khoảng 3.810 MW). Trong giai đoạn bình ổn, nguồn khí Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 21,2 tỷ kWh điện.
Trước đó vào đầu tháng 12/2022, Bộ Công Thương đã yêu cầu PVN xem xét, thống nhất với nhà đầu tư thượng nguồn (MOECO, PTTEP, PVEP) có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) chậm nhất trong tháng 6/2023 và thời điểm dự án phát triển mỏ khí lô B có dòng khí đầu tiên chậm nhất vào quý 4/2026.
Tiến độ khả quan của dự án Lô B – Ô Môn là một tin vui đối với ngành dầu khí. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi từ dự án trên đối với từng doanh nghiệp về cơ bản là khác nhau. Trong báo cáo triển vọng ngành quý 1/2023, Chứng khoán BSC kỳ vọng dự án Lô B – Ô Môn được thực hiện trong thời gian tới sẽ đem lại nguồn công việc lớn cho các doanh nghiệp thượng nguồn và trung nguồn dầu khí trong giai đoạn sắp tới.
Trong giai đoạn đầu, hoạt động khoan thăm dò, thi công xây lắp giàn tạo khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khâu thượng nguồn như PVD, PVS hay PVC. Giai đoạn sau, các phần việc liên quan tới lắp đặt và bọc ống trong dự án đường ống dẫn khí sẽ giúp các doanh nghiệp như PVS và PVB được hưởng lợi.
Tương tự, VNDirect cũng cho rằng dự án Lô B – Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp niêm yết trong chuỗi giá trị ngành dầu khí Việt Nam thời gian tới. Trong đó, các doanh nghiệp thượng nguồn như PVS, PVD được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ nhiều thành phần của dự án.
Mặt khác, VNDirect cũng chỉ ra không ít thách thức đối với ngành dầu khí năm 2023. Theo đó, nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể sẽ giảm tốc do những trở ngại đến từ đồng USD mạnh hơn, chính sách zero-Covid của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ đạt mức trung bình 101 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023, tăng 1% so với cùng kỳ, thấp hơn con số 2,2% trong năm 2022.
Dù vậy, VNDriect cũng đánh giá ít có khả năng thị trường rơi vào tình trạng dư cung do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung (đặc biệt là từ OPEC+), hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao trong năm tới. CTCK này kỳ vọng giá dầu Brent trung bình sẽ đạt khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023.
Đồng quan điểm, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng giá dầu thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung vẫn đang bị thắt chặt, và dự báo đạt trung bình 90 USD/thùng trong năm 2023. Ngoài ra, đơn giá các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp dầu khí trong năm 2023 có thể được cải thiện và một số dự án dầu khí sẽ sớm có quyết định đầu tư trong thời gian tới.
Nhịp Sống Thị Trường