Toàn cảnh bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết Quý 1/2022

0
137
Ước tính, lợi nhuận ròng Q1/22 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 33,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức 14,4% so với cùng kỳ của quý 4/2021.

Tính tới ngày 10/05/2022, 1089 công ty niêm yết trên ba sàn, chiếm 94,3% giá trị vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022, dữ liệu thống kê từ VnDirect.

TĂNG TRƯỞNG LỢI NHUẬN TOÀN THỊ TRƯỜNG TĂNG TỐC QUÝ 1/2022

Ước tính, lợi nhuận ròng Q1/22 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 33,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức 14,4% so với cùng kỳ của quý 4/2021. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng trong Q1/22 của thị trường tăng trưởng chậm hơn so với quý 1/2021 tăng 92,2% so với cùng kỳ do mức nền thấp trong quý 1/2020 (- 25,9%).

Toàn cảnh bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết Quý 1/2022

Ngành Ngân hàng, Hóa chất và Thực phẩm là động lực tăng trưởng. Tổng lợi nhuận ròng của ngành Ngân hàng tăng 31,7% so với cùng kỳ trong Q1/22, cao hơn nhiều so với mức 7,7% so với cùng kỳ trong quý 4/21, đóng góp 12,3% vào tổng lợi nhuận ròng thị trường. Tuy nhiên lợi nhuận ròng của Ngân hàng chỉ tăng 20% so với cùng kỳ nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường của VPB.

Ngành Hóa chất, được đóng góp chủ yếu bởi DPM, DCM và DGC, có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng 304,1% so với cùng kỳ do được hưởng lợi khi giá phân bón và phốt pho tăng. Tăng trưởng lợi nhuận ròng trong Q1/22 của nhóm Thực phẩm tăng 44,5% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức 13,8% so với cùng kỳ trong Q1/2021.

Các nhóm ngành Ngân hàng, Hóa chất và Thực phẩm đã đóng góp 21% vào tăng trưởng lợi nhuận của thị trường Quý 1/2022. Đáng chú ý, ngành Viễn thông đã ghi nhận lợi nhuận ròng dương 1.821 tỷ đồng trong Q1/22 so với mức âm trong Q1/21, phần lớn là nhờ 1.189 tỷ đồng lợi nhuận ròng của VGI trong Q1/22.

Toàn cảnh bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết Quý 1/2022

Nhóm ngành Dịch vụ tiện tích và Điện tăng trưởng vượt kì vọng. Tăng trưởng lợi nhuận ròng từ mảng Dịch vụ tiện ích trong Q1/22 đạt 52,0% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với 1,9% so với cùng kỳ của Q1/21 nhờ kết quả kinh doanh tốt của GAS (+68,9% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận ròng ngành Điện tăng trở lại 56,4% so với cùng kỳ trong Q1/22 sau khi giảm 35,8% so với cùng kỳ trong Q4/21 nhờ (1) phục hồi tiêu thụ điện hậu Covid-19 và (2) nhà máy điện gió bổ sung hoạt động vào tháng 11/2021 đã bắt đầu tạo ra lợi nhuận.

Lợi nhuận ròng của Xây dựng & vật liệu tăng 33,1% so với cùng kỳ trong Q1/22 sau khi biên lợi nhuận gộp tăng lên 17,3% từ 15,5% trong Q1/21 sau khi giá kính xây dựng, thạch anh và ống nhựa tăng. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép giảm xuống 12,4% svck trong Q1/22, thấp hơn nhiều so với Q4/21 (+36,0% svck) và Q1/21 (+281,8% svck) sau khi giá than luyện cốc và chi phí vận tải tăng.

Ở chiều ngược lại, Lâm nghiệp và Bất động sản công bố tăng trưởng âm. Lợi nhuận ròng Q1/22 của Giấy và Lâm nghiệp giảm 11,7% so với cùng kỳ do giá gỗ nguyên liệu tăng và chi phí vận chuyển cao. Các doanh nghiệp bất động sản kéo dài xu hướng giảm với mức giảm lợi nhuận ròng 5,7% so với cùng kỳ trong Q1/22, (-36,9% so với cùng kỳ trong Q4/21) do lượng bán của phân khúc căn hộ và cho thuê giảm.

NHÓM VỐN HOÁ LỚN TĂNG TRƯỞNG MẠNH 38,4%

Xét theo vốn hoá, nhóm vốn hoá nhỏ cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội. Ước tính, lợi nhuận ròng của toàn thị trường tăng trưởng 33,2% so với cùng kỳ, nhưng biên lợi nhuận gộp thị trường giảm 1,5 điểm % xuống 17,6% trong Q1/22. Điều này là do một số công ty niêm yết ghi nhận thu nhập bất thường trong Q1/22 (ví dụ: VPB, MSN…)

Nhóm vốn hoá nhỏ có mức tăng trưởng mạnh trong Q1/22 với tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt 38,4% so với cùng kỳ, nhờ các mã cổ phiếu đáng chú ý như BMS (+682% svck), CNT (+276% svck), BDG (+208% svck).

Toàn cảnh bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết Quý 1/2022

Lợi nhuận của các doanh nghiệp VN30 tăng mạnh trong Q1/22 sau khi tăng nhẹ trong Q4/21. Trong Q1/22, 25 doanh nghiệp trong VN30 tăng trưởng khả quan, dẫn đầu là MSN (752% svck), VPB (171% svck), NVL (101% svck). Sự tăng trưởng vượt bậc của MSN đến từ kết quả kinh doanh tốt từ mảng các kinh doanh và doanh thu tài chính tăng 365,2% svck. VPB đã ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm hợp tác độc quyền cùng AIA trong Q1/22.

Tăng trưởng lợi nhuận của NVL chủ yếu đến từ việc bàn giao bất động sản. Trong nhóm Ngân hàng, bên cạnh VPB, STB và BID ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng cao nhất, lần lượt là 59,0%/34,9% so với cùng kỳ.

Mặt khác, các mã cổ phiếu có kết quả kém khả quan nhất trong Q1/22 là PLX (-63%), VRE (-52%) và CTG (-28%). CTG là ngân hàng lớn duy nhất có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế âm trong Q1/22 do mức nền cao trong Q1/22 và trích lập dự phòng tăng 227,9%. VRE ghi nhận gói hỗ trợ 464 tỷ đồng trong Q1/22. PLX chịu tác động khi giá xăng đầu vào cao hơn do sử dụng nguồn nhập khẩu để bù đắp sự thiếu hụt từ Nghi Sơn.

Toàn cảnh bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết Quý 1/2022

Biên lợi nhuận gộp của thị trường giảm trong Q1/22. Theo VnDirect, biên lợi nhuận gộp toàn thị trường (không bao gồm ngành ngân hàng) đã bị co lại chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp của ngàn bất động sản, Khai khoáng, Dầu khí và Ô tô giảm xuống.

Toàn cảnh bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết Quý 1/2022

Đòn bảy tài chính toàn thị trường tăng lần đầu tiên sau 9 tháng. Đòn bảy tài chính nhích lên trong Q1/22, tương đối phù hợp với tốc độ trăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là 5%, cao hơn mức 3% trong Q1/21. Điều này chỉ ra rằng các doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng vốn vay để mở rộng hoạt động sau đại dịch.

Theo vneconomy