Cấp thiết Quy hoạch điện VIII

0
167

Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Được xây dựng trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt của đất nước nói chung và ngành điện nói riêng, liệu bản Quy hoạch đang được trông đợi này, có giúp hệ thống điện tránh khỏi áp lực nặng nề từ sự bùng nổ thái quá của năng lượng tái tạo gây nhiều hệ lụy như đã từng, cũng như tạo được sự minh bạch trong phát triển để thu hút được các nhà đầu tư?

Dien Viii
Cẩn trọng với cơ cấu nguồn từ khí LNG
Quy hoạch điện VIII định hướng phát triển các nguồn dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang khí LNG với quy mô rất lớn (từ 0% năm 2020 lên ~12.550-17.100 MW năm 2030, chiếm ~10-12% tổng quy mô nguồn năm 2030, tăng dần đến 43 nghìn MW, chiếm 15-17% tổng quy mô nguồn năm 2045), nguồn cung chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài, như vậy, có thể sẽ gặp phải những khó khăn tương tự việc phát triển nguồn nhiệt điện than trong giai đoạn vừa qua. Do đó, định hướng phát triển các nhà máy điện sử dụng khí LNG cần tính toán trên cơ sở khả năng nhập khẩu LNG và đồng bộ với xây dựng hạ tầng cung cấp LNG (kho cảng, hệ thống lưu trữ, tái hóa, đường ống…) trên phạm vi cả nước nhằm tối ưu trong đầu tư, tiết kiệm chi phí xây dựng, đặc biệt là hệ thống kho cảng và lưu trữ.
A5 1250x703
Kho cảng chuyên dụng của PV GAS. Ảnh: Thùy Dương
Giá nhiên liệu LNG nhập khẩu luôn là yếu tố bất định, có nhiều biến động trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới, dẫn đến các vấn đề về giá, cơ chế giá, hình thức đầu tư… là các rủi ro có thể dẫn đến việc phát triển các nguồn điện sử dụng nhiên liệu LNG không được cao như định hướng, gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng nói chung và an ninh cung cấp điện nói riêng.
A T4 Le Toan
Bài toán đối với năng lượng tái tạo
Theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo so với tổng công suất đặt toàn quốc như sau: Năm 2020 là 24,4%, đến năm 2030 là 24,3% – 25,7% và đến năm 2045 là 26,5% – 28,4%. Tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đã được ưu tiên phát triển phù hợp khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý.
Cũng như có xem xét đến tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đưa vào cân bằng công suất trong cân đối nguồn – tải (dựa trên số giờ huy động công suất khả dụng của nguồn năng lượng tái tạo trên phạm vi tỉnh, vùng, toàn quốc) và khả năng dự phòng từ các nguồn khác khi nguồn năng lượng tái tạo không thể vận hành.
A6 1500x797
Tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo với công suất 350 MW ở Ninh Thuận do Trung Nam Group đầu tư có sản lượng khai thác đạt 950 triệu kWh-1 tỷ triệu kWh điện/năm. Ảnh: Phương Thảo
Tuy nhiên, khi thực hiện cần phân bổ kịch bản phát triển năng lượng tái tạo tối ưu theo khu vực và thời gian thực hiện, trong đó, cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo tại các khu vực lưới điện đáp ứng yêu cầu giải tỏa công suất, đặc biệt khu vực phía bắc (giai đoạn 2021-2030); giảm khối lượng đầu tư nguồn năng lượng tái tạo giai đoạn 2021-2025 và chuyển sang thực hiện giai đoạn 2026-2030 để bảo đảm tính khả thi thực hiện và ưu tiên thực hiện các nguồn điện có đặc tính điều chỉnh công suất linh hoạt (tốc độ nhanh, dải điều chỉnh rộng) như mở rộng các nhà máy thủy điện, hệ thống pin tích trữ (BESS), các nhà máy thủy điện tích năng.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, dù Việt Nam có các nguồn điện linh hoạt bổ sung cho hệ thống điện, việc cắt giảm nguồn năng lượng gió, mặt trời với một tỷ lệ thích hợp là điều không thể tránh khỏi đối với một hệ thống điện tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn…
Với chương trình phát triển điện lực Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần đầu tư cho ngành điện trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32-115,96 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 85,70-101,55 tỷ USD (mỗi năm khoảng 8,57-10,15 tỷ USD) và khoảng 180,1-227,38 tỷ USD trong giai đoạn 2031-2045.
Điều đáng lưu ý, Quy hoạch điện VIII đã đưa ra các giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch như: Đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, bảo đảm thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; đề xuất cơ chế xây dựng Kế hoạch phát triển điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; đề xuất cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải… Các đề xuất này sẽ từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện để bảo đảm thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành các công trình điện theo đúng quy hoạch, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển điện lực.