Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 Sell in May, Vn-Index lại rớt nhẹ, độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm với ít nhất hơn 400 mã, chỉ có hơn 200 mã tăng, hết biên độ không đáng kể. Tâm lý thị trường nhìn chung vẫn giẳng co thận trọng.
Kết thúc phiên giao dịch Vn-Index giảm về 1.292 điểm, mức này đã hồi phục đáng kể so với 1.208 điểm giữa tháng. Tuy vậy, tính từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ số vẫn giảm 4,7%, hiệu ứng Sell in May tưởng không đúng với thị trường Việt Nam mà lại “đúng không tưởng”.
Sự sụt giảm của thị trường chủ yếu đến từ bối cảnh bên ngoài như Fed tăng lãi suất, cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn chưa thôi căng thẳng, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng trong khi đó ở trong nước, nội tại vĩ mô lẫn doanh nghiệp vẫn khá tốt với tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường ước đạt 35% trong quý 1/2022, dự báo cả năm 2022 vẫn ở mức khá 20-25%. Những sự kiện bắt bớ lãnh đạo một số doanh nghiệp thậm chí đã cho thấy tín hiệu tốt về một thị trường được thanh lọc ngày càng minh bạch và trong sạch hơn.
Nhà đầu tư trong nước đã bán tháo mạnh mẽ trong tháng 5 vừa qua, nhưng khối ngoại thì luôn giao dịch ngược lại. Thống kê cho thấy, trên HoSE, trong tháng vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài mua 8.509 triệu cổ phiếu, ETF, chứng chỉ quỹ và bán ra 7.920 triệu cổ phiếu. Về khối lượng nhóm này đã mua ròng 589 nghìn cổ phiếu Việt Nam.
Xét theo giá trị, nhóm này đã mua 29.851 tỷ đồng và bán ra 27.065 tỷ đồng, giá trị mua ròng 2.786 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp khối ngoại mua ròng chứng khoán Việt Nam, tháng 4 nhóm này mua ròng gần 4.000 tỷ đồng.
Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được khối ngoại mua nhiều nhất với giá trị ròng 2.300 tỷ đồng, NLG được mua nhiều thứ hai với khoảng 664 tỷ đồng; DPM được mua nhiều thứ ba với 513 tỷ đồng, tiếp theo là các mã như FPT, GMD, DPM, CTG, HDB, VRE. Ở chiều ngược lại, khối ngoại xả ròng nhiều nhất SSI 780 tỷ đồng; HPG cũng bị bán 730 tỷ đồng; VIC bị bán 436 tỷ đồng, các mã khác cũng nằm trong top bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh như VND, NVL, DXG.
Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại cũng cải thiện đáng kể từ mức chiếm 5-6% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2021 hiện đang hồi phục về vùng 10%. Trước đó, giai đoạn 2018-2019, giá trị giao dịch của khối ngoại chiếm tỷ lệ 18-19% toàn thị trường.
Dự kiến, cơ cấu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn tăng lên nữa trong thời gian tới khi mà dòng vốn nội có dấu hiệu suy thoái dần. Bởi hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều chung một nhận định rằng chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn, mỗi nhịp điều chỉnh là cơ hội để mua vào sở hữu. Chỉ số P/E của Vn-Index trong dự báo thu nhập năm 2022 hiện ở mức 12,7 hấp dẫn hơn so với mức trung bình 17,6 của Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn hiện đang giao dịch dưới mức P/E 10 bất chấp tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Trái lại, nhà đầu tư trong nước có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường để quay lại sản xuất kinh doanh hậu Covid-19, lãi suất huy động nhiều ngân hàng cũng có xu hướng tăng trong khi nhiều nhà đầu tư đã lỗ nặng trong suốt chu kỳ gần nửa năm vừa qua, việc gửi tiền lấy lãi là một lựa chọn khả dĩ hơn.
Theo An Nhiên – Vneconomy